[Tác giả tác phẩm] Thủy vấn – Giản Trinh

Thông tin từ web Trung Quốc

Dịch: Tiểu Diệp Thảo

LƯU Ý: Không mang ra khỏi blog này

[Tác giả tác phẩm] Thủy vấn – Giản Trinh

I. Tác giả: Giản Trinh

Giới thiệu vắn tắt

Giản Trinh (簡媜) tên thật là Giản Mẫn Trinh (sinh ngày 09/10/1961). Bà là tác giả văn xuôi của Đài Loan có thiên phú cực cao.

Dưới ngòi bút của bà, văn tự càng thêm thanh lương thoát tục, giống như hoa sen mới nở, quả thực có những điểm mà các tác gia đại lục không bì được, điều này có lẽ liên quan đến việc Cách mạng Đài Loan không xảy ra đứt đoạn văn hóa, bảo trì khí chất văn hóa truyền thống.

Văn xuôi của Giản Trinh có một phong cách riêng, có thể nói là “khác lạ” trong số các nữ tác gia; với con mắt tinh đời, dùng ngòi bút trác việt, miêu tả thần thái sinh hoạt nhân gian, thường có những khoảnh khắc sợ hãi kinh tâm, khiến người ta cảm thấy như giữa hè bỗng tăng thêm một loại hàn ý. Tuy là nữ giới, nhưng văn lại có chí khí lớn lao mà tác gia nam giới không theo kịp.

Phong cách sáng tác

Giản Trinh tâm tư tinh tế, nhạy cảm đa tài, đưa mắt nghiêng tai, xung quanh dù là người hay việc thì với ai cũng hữu tình. Trong văn chương, bà luyện ra một loại câu thức toàn vẹn mà lại hòa hợp, loại suy, rất đáng xem. Lấy tự giác cực cao làm kế hoạch sáng tác, trước khi viết văn phải làm công tác chuẩn bị, lại đi thẳng vào bút pháp cảm tính. Bà xem bản thân như một người công nhân nghiêm túc trong lĩnh vực sáng tác văn học.

Tín niệm của bà là: “Viết một thiên văn xuôi, làm một tác giả, hoàn thành một hồi luyến ái, trở thành vợ người, trọn thiên chức làm mẹ, làm mỗi một việc, sắm từng vai trò, đều coi như là nhân sinh chỉ có một lần này.”

II. Tác phẩm: Thủy vấn

Thuy Van

Sơ lược nội dung trọng điểm:

“Thủy vấn” là quyển sách đầu tiên của Giản Trinh, dùng tâm tư thiếu nữ thanh thuần để tự thuật về những biến hóa của cuộc sống trong ngoài nhà trường đại học, bút pháp tự nhiên mà lại giàu hàm ý sáng tạo. Cả quyển sách tổng cộng chia làm sáu quyển, bắt đầu với “Hoa cáo”, kết thức bằng “Hóa âm”. Trong đó, mỗi quyển lấy lời của quyển đầu làm nội dung chính, khiến cả quyển sách nối tiếp nhau mà hợp thành tổng thể, mỗi cuốn vừa có ý nghĩa của chính nó, cũng là đáp án của toàn quyển sách. Tác giả hi vọng thông qua thiết kế này, ghi lại những dấu vết tâm hồn ngày xưa. “Thủy vấn” cũng được tác giả gọi là “Đoạn đại sử” của chính mình.

* “Đoạn đại sử”: quyển sử kết thúc cuộc đời

Trích trang 115-118:

Cái kén xinh đẹp khiến cho thế giới ôm lấy bước chân nó, để cho ta có cái kén của ta. Khi tâm hồn đã thối rữa đến cùng cực, không muốn mảy may suy tư thêm một chút nào nữa, hãy để ta lẳng lặng trở lại trong cái kén của ta, lấy hồi ức làm giường ngủ, lấy bi ai làm chăn, đây là thứ đẹp đẽ duy nhất mà ta có.

Đã từng, mỗi độ cảnh xuân đều khiến cho lòng dạ thiêu đốt của ta kinh ngạc. Chuyện gì xảy ra vậy? Chúng nó đẹp biết bao nhiêu! Ta không hề quên mình đã mở to mắt hân hoan trước đóa hoa. Quy luật vận động của từng nhành hoa ngọn cỏ rất tự nhiên, dạy cho ta bí mật của sự tái sinh. Như là sự trung thực của đóa hoa đối với mùa vụ, ta đã nghe được lời thổ lộ run rẩy từ đỗ quyên. Mỗi một độ xuân qua đi, ta lại càng trung thực với điều mà mình nặng lòng hơn. Giờ đây, dường như xuân đã vắng mặt. Đột nhiên nhớ tới, chỉ là một trận lạnh lẽo trong lòng, gió xuân tháng Ba giống như chiếc kéo ấy!

Có đôi khi, giao chính mình cho đường phố, giao cho cái ghế rạp chiếu phim. Một đêm kia, đến rạp chiếu phim một cách kỳ quái khó hiểu, ngồi đại một chỗ, có người đến đuổi; đổi một cái ghế, lại có người đến đòi; cuối cùng, ngoan ngoãn móc vé ra nhìn cho cẩn thận, lần mò đến chỗ ngồi trong xó xỉnh sâu nhất, đây mới là chỗ của mình. Đã an bài rồi, mãi mãi chính là an bài. Đột nhiên hiểu ra, bao lần tỏ ra mạnh mẽ đều là uổng công, không gian của mình sớm đã được an bài rồi, vừa sinh ra thì chính là trăm phương nghìn kế muốn đẩy vào cái không gian ấy, mặc kệ có bằng lòng hay không. Ngoan ngoãn theo an bài, trở về không gian ấy, cáo biệt thế giới rối bòng bong, cáo biệt thứ mà ta nặng lòng, trở lại cái góc xó đã một lần chạy trốn, cho rằng sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa. Khi nghe tiếng lưới sắt hạ xuống, ta hiểu được, ta cũng không ra được nữa.

Ta mỉm cười nằm xuống, bày ra những ký ức đã trộm về, điểm lại từng cái một. Có lẽ, là biết rõ thời gian của mình không nhiều lắm; có lẽ, thứ trực giác cực kì mạnh mẽ đến cuối cùng sắp bị xua về. Khi ta bước vào cái thế giới rối như tơ này, bèn vội vàng nếm thử từng tư vị của nhân sinh, rất nghiêm túc, cũng rất tận lực. Một quần một áo, đều còn có tiếng cười, còn có mùi hương lan tỏa. Ta phải tỉ mỉ góp nhặt, dù sao điều gì đến thì sẽ đến.

Trong túi quần mà ta thân thuộc nhất, có cái tên trân quý nhất của ta, ta vẫn muốn mỗi ngày gọi vài lần, cảm giác một chút ấm áp ấy. Tất cả họ từng thực lòng thực dạ đối đãi ta. Giờ đây ở nơi góc xó tối tăm này, ôm ấp chúng đi vào giấc ngủ, đã là sự báo đáp duy nhất mà ta có thể làm. Được rồi, ta mỉm cười nằm xuống, những thứ ấy đã đủ để ta làm nên một cái kén đẹp đẽ.

Mỗi ngày, luôn có vài âm thanh đến lôi kéo ta, kéo ta ra khỏi tâm ngục, lại đi tìm một thế giới mới, mọi thứ lại quay về. Các cô ấy còn trân quý ta hơn chính bản thân ta, các cô trăm phương nghìn kế muốn tìm chiếc chìa khóa để mở ra còng tay xiềng chân của ta, chìa khóa ấy đã sớm bị ta đánh rơi từ lâu. Ta cam nguyện tự sát, cũng cam nguyện đánh rơi. Đối với một con người đã mệt mỏi, tất cả những lời nói tươi sáng lạc quan đều giống như đám bọt nước nhiều màu. Đối với một sinh mệnh đã bạc nhược, làm sao có thể lệnh nó đi đúc ra những câu chữ kiên cường? Nếu như chết đi là điều duy nhất có thể làm, vậy thì mặc kệ cho nó đi! Đây là tự do. Ép buộc một con nhộng phá kén, khiến nó rơi xuống trong lưới con nhện, có phải là nhân từ? Tất cả chim chóc đều cho rằng mang cá lên bầu trời là làm một việc thiện.

Có khi, ám chỉ bản thân một cách rất ngốc nghếch, đi trên cùng một con đường, mua bông hoa giống hệt nhau, nghe thứ âm thanh quen thuộc, xa ngắm cánh cửa sổ nọ, tưởng tượng chiếc đèn nho nhỏ vẫn sáng, giả trang làm chính mình bằng một quần một áo, cho rằng như vậy thì có thể trở lại cái thế giới đã trôi đi ấy, chí ít chí ít, nhắm mắt lại, cảm giác mình thực sự đang ở trong mớ bòng bong.

Nếu như, có giấc mơ tỉnh không được ta nhất định sẽ mơ; nếu như, có con đường đi không hết, ta nhất định sẽ đi; nếu như, có tình yêu không thay đổi, ta nhất định sẽ cầu. Nếu như, nếu như cái gì cũng không có, vậy thì hãy để ta trở lại với cát bụi! Hai mươi năm đẹp đẽ ấy, đều là lời nói dối thiện ý, ta mang theo phần đẹp đẽ nhất này, cùng nhau hóa thành bùn xuân. Ấy vậy mà, cả cái chết cũng không phải thứ mà người hèn mọn có thể lớn mật đòi hỏi. Thời gian như một gã gác ngục nhàm chán, không ngừng phân tích cho ta về ván bạc đen trắng. Không gian như một cục đá mài, chậm rãi mài, thế nào cũng phải ép cạn kiệt máu mỡ trên thân thể người, khi ngay cả một giọt máu loãng cuối cùng cũng rơi xuống rồi, mới chịu ném xuống gọn trơn.

Thế giới có thể mãi mãi sở hữu những bước tiến không loạn, tự nhiên sẽ có những thủ tục và phương thức đào thải tàn nhẫn. Cuộc sống là một tên đao phủ, trên lưỡi đao không có ngày mai. Đối diện với hoàng hôn vào tối, nghĩ về quá khứ. Một khuôn mặt đáng yêu, một giọng cười khúc khích… Một phút một giây thì giờ… Một chút bình minh, một chút đêm tối… Một lần ảo tưởng vô hạn ôn nhu sinh, một lần áp chế vô hạn ngoan độc tử. Từng được thâm tình, cũng từng thâm tình. Từng khóc một cách nghiêm túc, cũng nghiêm túc cầu sinh, nghiêm túc yêu. Giờ đây thì sao?… Nếu đời người tệ hại, không phải nên đi học nghiêm túc hận, mà là phải đi nhận lấy một phần yêu ta nên có được. Vào cái năm thứ hai mươi mà ta sống, ta đã nhận phần quà tặng ấy, ta đã hưng phấn biết bao mà mở ra nút thắt xinh đẹp, cầu mong nó là một món quà đẹp đẽ và cao quý. Khi một đôi ngọc lưu ly óng ánh bị vỡ nằm trong bàn tay run rẩy của ta, ta có thể làm gì? Nghiêm túc mà rơi lệ, sau đó thì sao? Sau đó thế nào? Trở về không gian u tối, sau đó lại thế nào? Nghiêm túc mà cảm thấy thỏa mãn. Khi nghe âm thanh lưới sắt hạ xuống, ta biết rõ, ta không có cách nào ra ngoài nữa. Dùng những giây phút cuối cùng của sinh mệnh, lại cẩn thận kiểm tra từng điểm từng điểm. Đem quãng thời gian tươi sáng rực rỡ cất vào, đem khuôn mặt quen thuộc, từng câu từng lời quen thuộc cất vào, và tấm bìa trong của cuộc đời, kéo xuống trang giấy nặng nhất cũng yêu sâu nhất ấy, cũng cất cả vào, bản thân muốn đọc lại một lần rồi một lần. Cuối cùng cũng cất vào chính mình, cam tâm vào lúc hai mươi tuổi, thu dọn tất cả những kết thúc xán lạn. Trả lại mỉm cười cho ngày hôm qua, trả lại cô đơn cho chính mình. Để người hiểu hiểu, để người không hiểu không hiểu; để thế giới là thế giới, ta cam tâm là cái kén của ta…

TDT:

Mình cảm nó thấy rất hay nên dịch cho mọi người cùng đọc.

Vốn các tác phẩm của Giản Trinh đều xuất bản có bản quyền, không được đăng trên mạng, nhưng vì thích quá nên mình lên taobao kiếm, định bụng nếu còn sách thì mua một quyển về từ từ đọc, với lại hôm trước giới thiệu với cô giáo tiếng Trung về tác giả này làm cô cũng muốn xem, nên có thể mua và xem ké cô dịch cho hay và đúng. Không ngờ trên shop taobao đó lại có trích một đoạn trong “Thủy vấn”, chụp liền!

Thú thật là tuổi và kinh nghiệm của mình không thể nào hiểu cho hết / cho nổi văn tự này đâu, khó hiểu vô cùng, nói chi là dịch nó; cho nên mình không dám dịch những cái khác (đã lỡ kiếm được ở đâu đó), mà đoạn này tuy cũng khó nhưng tương đối dễ hơn. Nhưng dù thế nào, tóm lại mình khá cảm thấy có lỗi, về phương diện nào đó…

“Một lần ảo tưởng vô hạn ôn nhu sinh, một lần áp chế vô hạn ngoan độc tử.” (Nhất thứ vô hạn ôn nhu sinh đích áo diệu, nhất thứ vô hạn ngoan độc tử đích yếu hiệp.) Quả thật não muốn thắt bím luôn, dịch ra câu nghe có vẻ hay hay đấy, nhưng vốn chẳng hiểu nó nói gì.

Ước gì có NXB Văn học nước ngoài nào dịch các tác phẩm này nhỉ.

Về ngôi kể, mình thích đọc nó bằng chữ “ta” hơn tôi, mặc dù đây là nhân vật nữ sinh đại học tự thuật. Có vẻ “ta” làm tăng thêm một chút ngông cuồng?

Ngoài ra:

Đoạn: <Sao ngươi lại tới đây? Rõ ràng đã đem ngươi khóa lại trên đất mộng, kinh thư nhật nguyệt, phấn đại xuân thu, còn cho phép ngươi nhàn đến viết thơ, ngươi nhưng lại bay qua quan lĩnh, đuổi kịp tháng năm chưa muộn, đến trước mặt ta nói: “Nửa cuộc đời phiêu bạt, mỗi một lần đều mưa đón thuyền về.”>

là trích từ truyện ngắn “Tứ nguyệt liệt bạch” (Tháng Tư lụa rạn), truyện này nhiều từ khó quá, tạm thời mình chưa dịch nổi, đợi có thời gian nghiên cứu thêm xem sao.

Về tất cả những điều này, những gì mình chia sẻ, có lẽ những bạn cũng yêu thích văn thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ hiểu – sự yêu thích đến tâm đắc ấy.

Thảo

3 responses to this post.

  1. Văn phong Giản Trinh tưởng bình đạm, rốt cuộc làm cho người ta mải miết theo đuổi, rồi nhận ra mình chỉ có thể trân trọng và ngưỡng vọng, cái thế giới tinh xảo ấy. Nó như viên pha lê, như mảnh thấu kính thâu tóm tất cả, phân tách mãi ra, thăm thẳm đa sắc, ta say mê, mà bất lực.

    Chị như một thiếu nữ ngồi ngắm lá rụng, nhìn mưa rơi, xem hoa nở, nhưng mỗi viền lá, mỗi phân tử phản chiếu muôn mặt của mưa, mỗi tiếng cựa mình của sinh mệnh, đều động đậy trong trang văn, trăn trở.

    Có lẽ thời đại Giản Trinh quay cuồng cùng mộng mị, tâm hồn ngày ấy trong lắm, “sống” lắm, nó nuôi dưỡng cho người ta những giấc mơ ngông cuồng mà tinh mĩ, kiêu ngạo mà đam mê.

    Dịch văn Giản Trinh, là công việc chuyển một viên ngọc từ loại ngọc quý này sang loại ngọc quý khác, là 1 trong những việc dù cố cả đời em cũng làm không được. Cho nên Thảo tỷ, em mong 1 ngày được thấy bản dịch của tỷ lắm đấy.

    Trả lời

    • Văn phong Giản Trinh mà bình đạm làm sao em. Đọc lên đã thấy hoa mỹ, sâu xa, triết lí, thậm chí dữ dội…

      Tỷ cũng mong cho có ngày đó, có một ngày mình dịch được thứ văn chương đẹp và lạ lùng như vậy. Cho nên tỷ sẽ cố gắng, 5, 10 hay 20 năm gì đó…

      Mấy lời nhận xét em viết hay lắm, tỷ rất thích kiểu viết ấy, có đôi khi không hiểu nó nói gì, nhưng vì nó đẹp, nên cứ đọc mãi…

      Trả lời

      • Bình đạm, không phải nội dung, mà là ngữ điệu, văn Giản Trinh viết dù mãnh liệt tới đâu, đọc lên thực sự rất “đạm”. Không hiểu sao, em thấy thế.

        Còn viết ấy mà, có lẽ mỗi lúc đọc xong 1 tác phẩm hay 1 đoạn trích ấn tượng, em sẽ bị ảnh hưởng bởi nó, bị dẫn dắt mà viết ra, không rõ có ý nghĩa hay không, mà nghĩ câu từ cần phải xếp đặt như thế, không viết, thấy bứt rứt *cười*

        Trả lời

Bình luận về bài viết này